Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là điểm đến du lịch nổi tiếng cho cả du khách trong và ngoài nước. Và cũng không loại trừ trường hợp bạn phải có visa nhập cảnh vào xứ sở mặt trời mọc tùy vào mục đích chuyến đi. Với loại visa visa ngắn hạn như visa du lịch Nhật Bản, để được cấp loại visa này, bạn cần đáp ứng đủ điều kiện và thực hiện đúng quy trình. Dưới đây là tổng hợp những thông tin cần thiết khi xin visa du lịch Nhật Bản.
Quy trình xử lý hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản
– Hồ sơ xin visa nếu gửi trực tiếp đến Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản bằng đường fax hay đường thư tín bưu phẩm sẽ không được thụ lý.
– Ngoài những hồ sơ có trong bản hướng dẫn, tùy theo mục đích nhập cảnh và tùy từng trường hợp, người xin visa có thể được yêu cầu bổ sung hồ sơ.
– Hồ sơ nộp chưa đầy đủ sẽ không được thụ lý. Trong trường hợp này người xin visa sẽ được phát một tờ danh sách những giấy tờ còn thiếu cần bổ sung, đề nghị phía người mời cũng phải xác nhận nội dung tờ danh sách này.
Thời gian giao nhận hồ sơ:
– Buổi sáng từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần (trừ ngày nghỉ, ngày lễ)
– Buổi chiều có thể nhận visa đã được cấp.
– Hồ sơ xin visa sau khi được thụ lý sẽ được cấp Biên nhận hồ sơ. Vui lòng mang theo biên nhận này khi đến nhận visa.
Thời gian xét duyệt visa du lịch Nhật Bản là bao lâu?
– Thời gian xét duyệt ít nhất là 01 tuần làm việc. Sau khi xét duyệt hoàn tất, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản sẽ liên lạc với từng trường hợp bằng điện thoại.
– Trường hợp cần thiết Bộ Ngoại Giao Nhật Bản phải điều tra hoặc Tổng lãnh sự quán Nhật Bản phải phỏng vấn đương sự xin visa thì thời gian xét visa sẽ lâu hơn 01 tuần làm việc, đề nghị quý vị sắp xếp xin visa sớm để kịp thời gian.
– Ngoài trường hợp nhân đạo, các trường hợp xin cấp nhanh visa sẽ không được xét. Trường hợp khẩn cấp đề nghị liên lạc sớm.
– Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản không trả lời những câu hỏi có liên quan đến nội dung xét duyệt.
– Thông tin về tiêu chuẩn cấp visa, vui lòng tham khảo theo đường dẫn http://www.mofa.go.jp/mofaj/toko/visa/tetsuzuki/kijun.html
– Trường hợp hồ sơ xin visa sau khi xét duyệt có kết quả từ chối cấp visa, thì trong vòng 06 tháng, người xin visa không được nộp lại hồ sơ xin visa với cùng một mục đích.
Có được thay đổi lịch trình sau khi đã có visa Nhật Bản không?
– Sau khi được cấp visa, đối với trường hợp có thay đổi nội dung hoạt động hoặc thay đổi thời gian lưu trú nhiều hơn thời gian lưu trú được cho phép trong visa, thì cần phải xin lại visa mới.
– Thời hạn hiệu lực của visa là 03 tháng kể từ ngày được cấp (không phải là từ ngày nhận hồ sơ). Nếu quá thời hạn này, visa sẽ mất hiệu lực và không thể nhập cảnh Nhật Bản.
Xin visa du lịch Nhật Bản có khó không?
Theo mình thấy Nhật Bản là một trong những đất nước dễ thương nhất trái đất khi nói tới việc cấp visa. Vì các lý do sau:
– Visa đi Nhật Bản có một điểm lợi là khi nào được cấp visa thì Đại Sứ Quán / Lãnh Sự Quán mới thu phí, và phí cấp visa cũng khá rẻ, chỉ vài trăm nghìn. Chả bù cho các nước phát triển khác phí tới vài trăm đô mà nộp hồ sơ là thu phí luôn, chả cần biết đậu hay rớt.
– Hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản không cần dịch thuật công chứng sang tiếng Anh.
Khi xin visa du lịch tự túc, điều mà bạn cần chứng minh
– Bạn có đủ tiền trang trải cho chuyến đi.
– Bạn có công việc làm ổn định, có tài sản và trách nhiệm tại Việt Nam.
– Bạn không có ý định trốn ở lại đất nước đó.
– Bạn hiểu rõ mình sẽ làm gì đi đâu và chủ động sắp xếp chuyến đi.
Với tổng quan như vậy, những chứng từ nào bạn nghĩ có thể giúp bạn chứng minh được các điểm trên thì có thể cho vào hồ sơ xin visa, càng đầy đủ càng tốt. Và mỗi bộ hồ sơ sẽ có những điểm khác nhau tùy vào chủ nhân của nó ra sao.
Quy định cấp visa Nhật Bản
Theo quy định, nếu người xin cấp visa thỏa mãn các yêu cầu dưới đây, trong trường hợp xét thấy việc cấp visa là hợp lý, sẽ được cấp visa.
– Người xin visa được xác nhận chính xác là có hộ chiếu còn hạn sử dụng, có quyền và tư cách được trở về nước mình hoặc tái nhập quốc lại nước người đó đang lưu trú.
– Hồ sơ xuất trình xin visa phải đầy đủ, hợp lệ.
– Hoạt động dự định của người xin visa tại Nhật hoặc thân phận, vị trí và thời hạn lưu trú của người xin visa phải phù hợp với tư cách lưu trú và thời hạn lưu trú được quy định tại Luật quản lý xuất nhập cảnh và tị nạn (Pháp lệnh của Chính phủ số 319 ban hành năm 1951, dưới đây gọi là Luật nhập cư).
Người xin visa không thuộc đối tượng được quy định tại mục 1 điều 5 Luật nhập cư.